Để từ đó tôi yêu người

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã dạy bảo con cháu rằng “Tiên học lễ, hậu học văn”. Và một trong những đức tính quan trọng và cần thiết của con người là phải có ơn, có nghĩa. Trong kho tàng dân ca Việt Nam, có rất nhiều câu tục ngữ nói về điều này như là : “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”, … và “Uống nước nhớ nguồn” là câu cụ thể nhất, vừa ngắn gọn, vừa hàm súc. Có thể nói đây là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cần được giữ gìn và phát huy.
“Uống nước” là cụm từ mà hiểu theo nghĩa bóng có nghĩa là tiếp thu hay thừa hưởng một cái gì đó từ ai. “Nhớ” – một động từ, ý chỉ sự thương nhớ, hay rộng hơn có nghĩa là biết ơn. “Nguồn” là một danh từ , ý chỉ cội nguồn, nơi xuất phát và mở đầu. Ta có thể thấy câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” ẩn chứa nhiều ý nghĩa lớn lao. Nó không đơn thuần là lời dạy của ông bà, mà còn là một là tự nhắc nhở đến chúng ta phải biết sống có tình, có nghĩa. Sống trên đời, khi sử dụng hay sở hữu một thứ gì đó, ta luôn phải đặt cho mình câu hỏi : “Những thứ này ở ra?”, “Ai đã tạo ra chúng?”, “Ta phải sử dụng chúng như thế nào?”, …, để từ đó, ta biết trân trọng hơn, yêu quý hơn những gì mình đang có.
“Uống nước nhớ nguồn” – câu tục ngữ thể hiện truyền thống, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam qua bao thời đại. Thiết nghĩ, nó sẽ luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, dù xa xưa hay hiện đại. Khi ta biết mang ơn một ai đó, tức là ta đã biết cách xử sự đúng đắn với người đó.
Theo định luật bảo toàn năng lượng thì “Năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác”. Thật vậy, trong tự nhiên, mọi vật trên đời này đều có nguồn, có cội. Ông bà ta vẫn hay nói “Chim có tổ, người có tông”. Câu tục ngữ “Uống nước, nhớ nguồn” như một lời nhắc nhở đến thế hệ con cháu chúng ta phải nhớ đến tổ tiên. Đất nước ta, để có được hòa bình, độc lập, chủ quyền như ngày hôm nay, cha ông ta đã phải đấu tranh gian khổ, hi sinh máu thịt. Ngày nay, lớp trẻ đã biết giữ gìn, phát huy và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thế giới, đẩy mạnh kinh tế, đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn. Đó chính là những hành động thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta trong kỉ nguyên mới – kỉ nguyên của độc lập, bình đẳng và phát triển.
Nói như thế, nhưng vẫn có một số bộ phận những người chỉ quan tâm đến bản thân mình, chỉ biết hưởng thụ, chứ không biết góp công vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước; sống như thế thì “vàng có chất thành núi, rồi cũng sẽ lỡ”. Những con người đó đã không chỉ đánh mất danh dự bản thân, gia đình, xã hội. Họ đã lao vào những cuộc ăn chơi triền miên, lười lao động, gây ra tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự và để lại những hậu quả khôn lường. Những việc làm đó thể hiện sự vô tâm, không biết quý trọng tài sản vô giá đã được đánh đổi bằng chính sinh mạng của đồng bào ta. Những con người vô trách nhiệm này thật đáng lên án và bị xã hội trừng trị.
Có “Uống nước, nhớ nguồn” thì ta mới thấu hiểu được sự gian khổ, khó khăn của những người đã tạo ra những thành quả đáng trân trọng, cũng như của chính bản thân ta. Để từ đó, ta biết cố gắng, phấn đấu hơn nữa cho xứng đáng với công sức mà họ đã bỏ ra. Biết mang ơn và trân trọng những gì mình có, ta sẽ trở nên rộng lượng hơn, không ích kỉ và sẽ sống có ích hơn cho mọi người và xã hội.
Là học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, cách tốt nhất là chúng ta phải cố gắng, siêng năng, chăm chỉ. Vì một khi ta học tập tốt, nghĩa là ta đã biết nhớ ơn và trân trọng từng con chữ mà thầy cô đã dùng hết tâm huyết tryền đạt.
Từ câu tục ngữ “Uống nước, nhớ nguồn”, người xưa muốn nhắc nhở ta không ngừng cố gắng, phấn đấu để ngày một tiến bộ. Ngoài ra, ta nên tiếp thu một cách có chọn lọc những cái hay, cái đẹp của người khác để làm phong phú thêm cho bản thân, đất nước và trành được những sai lầm mà người khác đã phạm phải. Mỗi con người chúng ta dù đi đâu, làm gì thì vẫn là người Việt Nam, ta phải luôn ghi nhớ những gì mà tổ tiên đã dạy bảo, phải sống “có trước, có sau” và sống cho xứng đáng là một “con người”. Xin mượn một câu hát thay cho lời kết “… để từ đó tôi yêu người, để từ đó tôi yêu tôi …”.
12a6-02-0910

0 nhận xét:

Đăng nhận xét