Lạc quan để giàu có

“Lạc quan để giàu có” - Bài viết được tuyển vào vòng chung khảo Cuộc thi "Quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi" Bài dự thi được tuyển chọn vào vòng chung khảo Cuộc thi "Quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi"

“Lạc quan để giàu có”- quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi.

Đến nay cuộc đời tôi đã sang tập số 23. Năm nay cũng là năm tuổi của tôi. Tôi ít mê tín nhưng luôn tin vào bản thân mình. Tôi yêu sách, thích đọc sách và hay sưu tầm sách hay để đọc. Tôi thích tìm cái mới trong cuộc sống. Tôi luôn muốn đổi mới bản thân mình. Tôi đang là sinh viên năm IV. Cuộc sống tôi đã có nhiều thay đổi. “Lạc quan để giàu có”- cuốn sách đã khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất, đọc nhiều lần nhất, đã thay đổi cuộc đời tôi, cho tôi những bước đi vững tin hơn, mạnh mẽ hơn vào cuộc sống.
Khi viết bài viết này, tôi muốn chia sẻ đến tất cả các bạn trẻ, tất cả mọi người chỉ một điều duy nhất về quan điểm của bản thân tôi với cuộc sống: “Giá trị cuộc sống là gì? Và con đường tư duy nào tìm đến với giá trị đích thực của cuộc sống”.
“Lạc quan để giàu có” là một cuốn sách vừa nhỏ vừa mỏng, vừa giản dị mà vừa xinh xắn. Giá của nó cũng thật rẻ, chỉ vỏn vẹn 13.000đ, rất hợp với túi tiền của một sinh viên nghèo như tôi. Lời văn gọn gàng, hành văn mạch lạc, ý tứ súc tích, ngôn từ trong sáng và có nhịp điệu là những yếu tố đã làm nên sự thành công to lớn của tập sách này. Từ cách thức trình bày diễn đạt đến nội dung truyền tải của sách thật đúng là mười phân vẹn mười. Không phô trương, không bày biện nhưng phẩm chất của sách cũng như của tác giả: Hồng Hà, người mà tôi chưa từng quen biết mặt mũi tiếng tăm, thật đáng nể phục. Sách do nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
“Lạc quan để giàu có” chứa đựng đầy đủ triết lý về cuộc sống. Nó mô tả về một đời sống thực thật sự vẹn toàn mà tôi nghĩ rằng đấy là câu chuyện về cuộc sống hiện tại. Nó chỉ cho ta một con đường tư duy rõ ràng để rèn luyện bản lĩnh và vươn đến một cuộc sống sung túc và hạnh phúc. Đó là con đường tìm đến với “giếng thịnh vượng” của Giàu, nhân vật chính của truyện chứa đựng trong tập sách nhỏ nhắn này.
Tôi xin chia sẻ các bạn về việc làm của Giàu. Giàu là con của bác phó mộc nghèo và lại bệnh tật vì lao lực. “Ông hầu như không còn một xu dính túi và nằm dán trên giường bệnh” như câu chuyện kể. Giàu mới 12 tuổi. Giàu mồ côi mẹ. Giàu thương cha nên vâng lời cha đến “giếng thịnh vượng” lấy nước theo lời cha dặn: “Nhiều đời nay, dân làng đã có thói quen đến thăm giếng thịnh vượng mỗi ngày. Từ trước tới giờ không ai trễ nãi việc ấy cả. Con trai ơi, hãy hào phóng với giếng, rồi giếng thịnh vượng sẽ hào phóng với con.”
Và hành trình đến với “giếng thịnh vượng” bắt đầu. Nhưng Giàu không đi theo con đường mà dân làng đã thường đi. Giàu tự hỏi và thắc mắc mãi tại sao giếng chẳng hào phóng với cha cậu hoặc với hầu hết dân làng. Giàu có nghị lực, chịu khó và ham học hỏi. “Giếng thịnh vượng của Giàu không chỉ đơn thuần là giếng nước, mà đó là sự thịnh vượng thật sự. Trên đường tìm đến “giếng thịnh vượng”, Giàu đã gặp nhiều người tốt chỉ đường cho Giàu: bà lão bên bìa rừng, bác sĩ nhãn khoa, rồi bác thợ ống nước, rồi người làm vườn, rồi ngư ông, rồi người chèo thuyền, rồi cô nhạc công, rồi người quản lý khách sạn. Để rồi cuối cùng Giàu nhận ra rằng “giếng thịnh vượng” không như cha cậu hay hầu hết dân làng cậu nghĩ mà “giếng thịnh vượng nằm trong suy nghĩ của ta”.
Điều đáng chú ý trong câu chuyện kể là những nhân vật mà Giàu tiếp xúc đều là những con người thành đạt và có cuộc sống thịnh vượng. Cuộc sống thịnh vượng mà họ có được đều bắt nguồn từ tinh thần hăng say lao động, yêu lao động và lao động sáng tạo. Đấy là một cuộc sống toàn diện cả tinh thần lẫn vật chất chứ không đơn thuần là công việc. Cuộc sống của họ có ý nghĩa vì họ hiểu ý nghĩa của cuộc sống . Cuộc sống của họ thịnh vượng vì họ luôn góp phần làm cho cuộc sống thịnh vượng. Họ, những con người thành đạt thật sự, đã thật sự hiểu bản chất của cuộc sống.
Như bác sĩ nhãn khoa nói: “mọi vĩ nhân đều bắt đầu sự nghiệp bằng những ước mơ đội đất vá trời. Họ biết rõ họ đang ở đâu và cần đi đến nơi nào. Sau đó họ tập trung toàn bộ nghị lực và trí tuệ để đến được nơi ấy”, “Khi biết sống có hoài bão cũng là lúc cuộc sống của chú thay đổi”. “Khi cháu có hoài bão, mọi thứ đột nhiên rõ ràng đến không ngờ. Cháu sẽ nhìn qunh và nói: ‘À, hóa ra thế giới là thế này đây.’ Đó chính là lúc con người, cơ hội và của cải mà cháu mong muốn sẽ đến với cháu.” “Hãy tin vào chính mình”.
Hoặc như quan điểm của bác thợ sửa ống nước cho rằng: “nhiều người trong chúng ta đều vui vẻ đổi rất nhiều thời gian của mình lấy tiền, qua một công việc làm. Đây là sự trao đổi thẳng thừng. Nhiều người cho rằng làm như thế là họ đang đầu tư thời gian phát triển kỹ năng và kinh nghiệm làm việc và được lợi nhiều hơn từ thời gian và công sức bỏ ra. Nhưng đó là sự đầu tư sai lầm: ngay khi sự tao đổi kia ngừng lại, chẳng hạn khi người làm công không còn thời gian để đổi hoặc công ty không còn tiền để đổi lấy thời gian của người làm công thì ống nước sẽ khô kiệt. Thế nên ta nói thời gian đó có giá trị thấp.” “Khi là thợ ống nước giỏi hơn, ta đưa những giọt nước thời gian mình có vào những lần sử dụng mang lại giá trị cao hơn. Đó là sự đầu tư cho thời gian. Mỗi giọt nước được đầu tư sẽ mang đến cho ta nguồn lợi nhuận không ngừng tăng lên. Vì thời gian giúp tạo ra những nguồn tiền mới VÀ những vòi thời gian mới.” Tôi không trích sai chữ nào theo nguyên văn. Triết lý này thật là tuyệt vời.
Giống như nữ nhạc công nói: “Không thể đem thời gian so sánh với tiền bạc được. Tiền tiêu rồi, ta lại kiếm được nhiều hơn. Với thời gian, một khi ta đã lãng phí, nó không bao giờ trở lại. Thời gian là thứ của cải quý giá nhất, thế nên ta nên phải đầu tư để hiểu thời gian hơn”, “Khi tìm được sự hòa hợp đích thực, cháu sẽ thấy mình có nguồn sức mạnh lớn không tưởng tượng nổi. Sự hòa hợp chính là nền tảng của sự giàu có.” Vâng, thời gian còn quý hơn cả tiền bạc. Tiền bạc mất đi có thể tìm lại và tạo ra được. Thời gian qua rồi thì không thể quay ngược trở lại vì con người chưa tạo ra được thời gian. Và đi tìm sự giàu có không chỉ đơn giản là làm ra thật nhiều tiền mà còn phải hòa hợp với xã hội, hòa hợp với thiên nhiên, với đại vũ trụ.
Còn người làm vườn thì nói rằng: “Cuộc sống khó nhọc hay phong phú đều do suy nghĩ của ta. Sự thịnh vượng đến từ suy nghĩ của ta đấy.” “Mỗi lời nói hoặc suy nghĩ hợp lý của cháu đều giống như mặt nước chạm tới mặt nước giếng. Mỗi câu hỏi hợp lý hơn của cháu đều xuất phát từ giếng ấy. Nó là vô tận.”
Tôi cũng cực kỳ tâm đắc với cách làm việc thông minh bảo toàn sức khỏe của người chèo thuyền. “Khi lần đầu tiên thấy của cải ngoài kia, cháu bắt đầu thấy đâu đâu cũng có cơ hội. Nếu không biết điều tiết nhịp nhàng, chắc chắn cháu sẽ làm mình kiệt sức, náo loạn và cuối cùng cháu sẽ đuối dần.” “…càng thư giãn và cân bằng nhiều hơn lúc mái chèo ở trên mặt nước, ta chuẩn bị tốt hơn cho lần chèo kế tiếp. Đó là lý do ta gọi là tái tạo sức lực. Quan trọng hơn nữa là, thời gian mái chèo của ta ở dưới nước càng ít ta càng đi nhanh. Thế nên khoảng thời gian mái chèo ở trên mặt nước sẽ lâu gấp đôi khoảng thời gian mái chèo ở dưới mặt nước, như vậy thuyền ta sẽ đi nhanh gấp đôi.”
Và …,... còn rất nhiều những triết lý thâm thúy đang chờ đón bạn trong tập sách xinh xắn này.
Nhìn chung, những nhân vật thành đạt trong câu chuyện của Giàu đều có quan điểm sống thật sự đẹp, sâu sắc mà nhẹ nhàng. Và tôi nghĩ cuộc sống của họ không xa vời với mục đích hướng tới xây dựng cuộc sống của chúng ta. Các bạn tìm đọc tập sách này sẽ rất hữu ích cho cuộc đời bạn. Cuộc sống thay đổi từ việc thay đổi quan điểm sống.
Câu chuyện đã diễn ra chỉ trong một ngày đàng của Giàu thôi mà để lại biết bao triết lý sâu xa về cuộc sống thịnh vượng và con đường đi đến đó. Ngôn từ không thể diễn tả hết ý tứ của tập sách truyền tải. Nhưng tôi hy vọng những điều mà Giàu học được sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ và cố gắng đi tìm để đạt đến điều đó.
“ 1. Suy nghĩ, viết ra, làm theo và ôn lại.
2. Chọn cấp độ mình muốn.
3. Những gì ta nhận thấy sẽ luôn làm giàu hiểu biết của ta.
4. Cứ hỏi đi, có lợi nhiều đấy.
5. Học là một trò chơi.
6. Đầu tư nhiều hơn cho thời gian không lãng phí như trước.
7. Đầu tư nhiều hơn cho tiền bạc, không sài nhiều như trước.
8. Giếng thịnh vượng nằm trong suy nghĩ của ta.
9. Giàu có chỉ là sự bắt đầu, không phải là mục đích cuối cùng.
10. Gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch.
11. Niềm đam mê chính là la bàn định hướng.
12. Biết mà không làm có nghĩa là chưa biết gì.
13. Giá trị là sông, của cải là nước.
14. Làm việc và sáng tạo không ngừng.
15. Trù tính trước thất bại.
16. Thấy gỗ từ cây.
17. Cơ hội đến trong từng khoảng khắc.
18. Chìa khóa để có lực đòn bẩy là cách sử dụng nó.
19. Nguồn của cải có được nhờ một cuộc sống cân bằng.
20. Thời gian là thứ của cải quý giá nhất.
21. Sự hòa hợp chính là nền tảng của sự giàu có.
22. Thời gian có chu kỳ.
23. Không phải cứ bắt tay vào việc là xong, còn phải tính đến thời điểm thích hợp.
24. Khi tạo ra sự cộng hưởng, ta bắt đầu tích lũy.
25. Định ra chuẩn đánh giá cho mình.
26. Người có tiêu chuẩn 5 sao có cuộc sống sung sướng hơn người theo tiêu chuẩn 2 sao.
27. Môi trường là sân chơi.
28. Thứ ta có chính là thứ ta muốn.
29. Nước có nhiều mức độ khac nhau.
30. Mọi thứ đang đón chờ bạn…”
Đấy là tất cả những gì Giàu đã học được ghi chép lại. Và điều chắc chắn là Giàu không chỉ học được có thế phải không các bạn? Thật đúng như tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu: “ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Câu chuyện có pha chút hư cấu nhưng tôi nghĩ là hoàn toàn có thể hiện thực hóa được. Và sự hư cấu thông minh ấy có chăng cũng là muốn đề cao khả năng của con người mà thôi. Giàu có thể là một đứa trẻ quá thông minh nhưng với bằng tuổi ấy cũng là đủ khôn để Giàu nhận thức về điều đó. Tôi thật sự thích cách đặt vấn đề rồi dẫn dắt và giải quyết vấn đề của tác giả, rất tự nhiên, rất linh hoạt, rất logic . Và dường như khi đọc đi đọc lại tập sách mỏng này tôi luôn có cảm nhận rõ ràng: mọi thứ vẫn đang đón chờ chúng ta. Nào! Chúng ta hãy hành động đi các bạn ơi! Tương lai chúng ta đang đón chờ chúng ta đó!
Tôi đã đọc nhiều sách, không dám nói là tất cả, nhưng chưa có tập sách nào đơn giản mà đầy đủ và rõ ràng một cách nhẹ nhàng để cho tôi thấy tự tin và đủ vững tin để mạnh mẽ tiếp cận và xâm nhập cuộc sống như tập sách này. Thật sự vậy! Và tôi cũng hiểu rằng để hiểu được tập sách này thì phải cần đọc nhiều sách và có cả một phần trải nghiệm cần thiết trong cuộc sống. Chính vì vậy mà ở cuối sách nhà xuất bản Trẻ đề lời bạt rằng: “Xin đừng quên sách mà lãng quên nó ngay. Xin hãy đọc lại vài lần để tìm thấy ý nghĩa sâu xa của câu chuyện vừa kể. Nếu chưa tìm ra ý nghĩa sâu xa ấy liệu bạn có bỏ cuộc không? Hay bạn nhất định phải khám phá ra nó?”. Tôi rất quý tập sách này! Và tôi mong muốn mình được hiểu nhiều hơn với “Lạc quan để giàu có”.
Tôi xin làm một phép so sánh để sinh động hóa giá trị của cuốn sách mà tôi ca ngợi. Tôi đánh giá tác phầm “Lạc quan để giàu có” của tác giả Hồng Hà có giá trị gấp mười lần tác phẩm “Ping- A frog in search of a New Pond” của tác giả Stuart Avery Gold về nội dung tư tưởng triết lý sống cũng như con đường tư duy tìm đến cuộc sống tốt đẹp.
Tác phẩm “Ping- A frog in search of a New Pond” của tác giả Stuart Avery Gold vừa xuất hiện ở thị trường Việt Nam trong quý I năm 2008 được cho là cuốn sách đang trở thành một hiện tượng trên thế giới đã lan tỏa khắp các châu lục. Tác phẩm về Ping chỉ đề cập đến một khía cạnh duy nhất bao trùm đó là ý chí nghị lực của chú ếch Ping rèn luyện và vượt qua mọi thử thách để đạt đến đỉnh cao chinh phục thành công trong cuộc sống. Tác phẩm này phản ánh rõ nét tư tưởng sống của văn hóa phương Tây.
Còn “Lạc quan để giàu có” cho ta biết toàn diện về tất cả mọi khía cạnh để xây dựng một cuộc sống thịnh vượng, thật sự chất lượng cao, thật sự hạnh phúc. “Lạc quan để giàu có” cho ta khả năng để xây dựng cuộc sống xã hội hài hòa và hài hòa với tự nhiên, đạt đến trình độ giải thoát theo như thuật ngữ chuyên môn của nhà Phật. Triết lý của “Ping” chỉ là nhất thời và cá nhân. Còn triết lý của “Giàu” là vĩnh viễn và hài hòa cả trong bản thể lẫn bên ngoài xã hội và tự nhiên. Đây là sự đặc trưng độc đáo của tư tưởng sống trong văn hóa phương Đông.
Nhưng mọi sự so sánh đều khập khiễn. “Ping” là tác phẩm bán chạy hơn và được mọi người biết đến nhiều hơn so với tác phẩm “Giàu”. Tôi nghĩ rằng tác giả cũng như nhà xuất bản chưa mạnh mẽ trong việc tiếp cận thị trường ở khía cạnh thương mại của việc làm sách. Tôi nghĩ thành công về mặt thương mại sẽ giúp cho tác phẩm càng có giá trị hơn.
Tôi khẳng định: “Lạc quan để giàu có truyền tải chân lý cao đẹp về giá trị sống đích thực”.
Và thật sự bây giờ cuộc đời tôi đã có nhiều thay đổi! Tôi đã có nhìn nhận rõ ràng về con đường tư duy để đi đến cuộc sống thịnh vượng. Đó đích thực là cuộc sống ấm no hạnh phúc giống như người dân Việt Nam ta vẫn thường mong muốn. Tôi ngày càng tiếp cận cuộc sống mạnh mẽ hơn và thực tế hơn, có chiến lược và có cả chiến thuật. Trước đây tôi tích cực học tập và hoạt động nhưng còn rời rạc và mang tính thỏa mãn nhu cầu hay chỉ là đam mê. Còn giờ đây hoạt động sống của tôi gần như nhất quán giữa các hoạt động học tập và hoạt động phong trào, hoạt động xã hội, cũng như trong nội tại của mỗi loại hoạt động. Tôi nhìn cuộc sống toàn diện và đầy lạc quan. Trong mỗi giai đoạn tôi biết mình cần phải làm gì và ưu tiên làm việc gì. Tôi yêu cuộc sống và cuộc sống cho tôi thêm nhiều sức sống để sống để yêu. Tôi tôn trọng giá trị cuộc sống và điều đó mang lại cho tôi nhiều giá trị sống hơn.
Như hiện nay tôi đang là sinh viên khoa Y học cổ truyền trường Đại học y – dược thành phố Hồ Chí Minh. Tôi luôn phấn đấu học tập tốt để trau dồi nghiệp vụ chuyên môn. Mặc khác tôi cũng tham gia hoạt động văn nghệ ở khoa, ở trường và ở KTX. Năm học vừa qua tôi được chọn đại diện cho lớp là sinh viên tiêu biểu của khoa. Trong hoạt động văn hóa văn nghệ của trường và khoa tôi cũng đạt nhiều thành tích cao.
Tôi cũng tham gia nhiều câu lạc bộ ở NVH Thanh niên và nhà văn hóa sinh viên. Tiêu biểu nhất trong đó tôi chọn sinh hoạt ở CLB LLTrẻ NVH Thanh niên làm trọng tâm vì tính chất của CLB LLTrẻ rất phù hợp với tôi. Tôi đã gặt hái nhiều thành công cùng CLB trong năm qua và đóng góp vào thành công chung của cả CLB LLTrẻ . CLB LLTrẻ được chọn là CLB hoạt động xuất sắc nhất NVH Thanh niên. Sắp tới đây 11/5/2008 là sinh nhật tròn VII năm thành lập CLB tôi được vinh hạnh được đề cử vào danh sách Ban chủ nhiệm mới. Tôi thật sự hạnh phúc!
Tôi đã và đang cảm nhận về lực đòn bẩy giữa việc học tập và hoạt động xã hội.
Thế đấy! Cuộc đời tôi đã có nhiều chuyển biến.
Tôi không phải khỏe khoắn gì cả. Mà tôi thấy mình tự tin đạt được những điều đó và tự tin vào khả năng của bản thân mình. Tôi càng thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn vì tôi hiểu cuộc sống hơn và mong muốn làm đẹp cuộc sống này hơn. Giá trị cuộc sống khiến tôi còn luôn phải đi tìm. Và tôi hiểu rằng: “giá trị cuộc sống nằm chính trong lòng cuộc sống”. Tôi yêu cuộc sống bằng cả trái tim mình!
Tôi rất hoan nghênh cuộc thi này được tổ chức. Tôi tâm đắc một điều là muốn chơi thì phải có sân chơi, muốn hoạt động gì thì phải có môi trường nấy. Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có sân chơi và môi trường phát triển rộng rãi. Chính chúng ta hiểu chúng ta nhất. Vậy tại sao chúng ta không tạo ra sân chơi và môi trường phát triển ấy? Khi chúng ta muốn và hiểu nó rồi thì chúng ta sẽ làm được thôi. Và mọi thứ vẫn đang đón chờ ta…
Tôi xin chúc cho cuộc thi được sự hưởng ứng nồng nhiệt với số lượng đông đảo độc giả tham gia. Khi viết bài này xong, tôi lại càng thấy yêu tập sách nhỏ bé này hơn và cảm thấy mình thêm phần chín chắn hơn. Tôi chân thành cảm ơn ban tổ chức!
Chào thân ái và quyết thắng!


Lê Minh Luật.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét